Nguyệt San Số 4


An Phú, Quê hương nhiều dấu ấn.
Tác giả: Trường Thi
Thể loại: sưu khảo

Lời Giới thiệu: Trường Thi là bút hiệu của một nông gia tại vùng Virginia. Phần lớn những tác phẩm của Trường Thi viết về quê hương và lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo. Trong tác phẩm Giang Sơn Biên Trấn, Trường Thi đã phác họa cho người đọc thấy một hình ảnh của quê hương miền Tây Nam Việt trong thời kỳ mở mang bờ cỏi và lịch sử hình thành giáo phái Phật giáo Hòa Hảo. Trong chuỗi những vùng đất của tiền nhân chúng ta khai phá, phải kể đến những địa danh mà Trường Thi ghi lại như: Láng Linh, Kinh Vĩnh Tế, An Phú, Châu Phú, Tân Châu... v...v...Trường Thi còn là một cộng tác viên cho Đặc San Đuốc Từ Bi của Phật Giáo Hòa Hảo Nam Úc. Xin mời độc giả đi tìm hình ảnh của những nẻo đường miền Tây Nam phần, đặc biệt vùng biên giới Việt Miên, qua tác phẩm Giang Sơn Biên Trấn của Trường Thi, được BBT đăng trên trang Quê Hương của Nguyệt San Nông Gia Việt Nam, kể từ số 1.

Quận An Phú nằm về phía bắc tỉnh lỵ Châu Đốc cách trung tâm hành chánh tỉnh vào khoảng 20km. Mặc dù diện tích khá khiêm nhường so với các quận Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn và Tịnh Biên, song dân số quận An Phú đứng vào hàng thứ ba trong toàn tỉnh và có đến trên 90% dân số là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Hầu hết các xã của quận An Phú đều có chiều dài dọc theo biên giới Việt-Campuchia, từ Phú Hữu, Vĩnh Lộc đến Khánh An, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Đa Phước, ngay cả quận lỵ An Phú cũng chỉ cách biên giới không đầy 10km.
Rời tỉnh lỵ Châu Đốc, qua phà Cồn Tiên thuộc xã Đa Phước, chúng ta đã đặt chân đến phần đất của quận An Phú. Xã Đa Phước là nơi sinh trưởng của một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An là ông Đạo Lập tức Phạm Thái Chung vào thế kỷ 19. Xã Đa Phước là nơi có phong cảnh hữu tình và nên thơ. Theo truyền thuyết, từ xa xưa, vào những đêm trăng rằm người dân thường thấy những nàng tiên xuất hiện thướt tha như những tấm lụa đào và danh từ "Cồn Tiên" có từ đấy.

Châu Đốc ngày xưa

Theo con đường trải đá dọc theo hai bên bờ, nhà cửa san sát nối đuôi nhau đã nói lên phần nào vùng đất phồn thịnh vùng biên giới. Cù lao xã Vĩnh Trường nằm xoài như con rùa nổi giữa mặt nước xanh biếc. Cây cối um tùm, ẩn hiện những dãy nhà ngói đỏ cũng đủ nói lên những ấm no của một xã cù lao với bốn mùa cây xanh trái ngọt. Dọc đường, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp những nhà sàn cao khỏi đầu người với lối kiến trúc của người Mã Lai. Đây là quê hương của dân tộc Chàm, họ sống tập trung vào hai ấp: Phước Quản của xã Đa Phước và Đồng Ky của xã Nhơn Hội. Người Chàm chiếm vào khoảng 0.65% dân số toàn tỉnh. Họ chủ yếu sống tập trung ở hai quận: An Phú (các xã Đa Phước, Nhơn Hội) và Châu Phú (các xã Châu Giang, Khánh Hòa). Chủ yếu họ sống bằng nghề dệt và chài lưới. Lễ hội lớn nhứt của sắc dân Chàm là "Lễ Hội Hat-Gi (Haji)" hay còn gọi là Roja Haji. Lễ được tổ chức từ ngày 7 đến 10 tháng 12 (Hồi lịch) tại các thánh đường Hồi Giáo. Vào ngày lễ, toàn thể tín đồ phải lắng nghe ông Khojip nói lại sự tích ngày Thánh Ibrôhim. Sau phần hành lễ, người Chàm thường tổ chức các cuộc vui chơi sinh hoạt văn hóa và thể thao như ca hát, đua ghe. Giống như Tết người Việt, đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và cầu chúc điều lành cho nhau.
Dọc theo con đường chính đến quận lỵ, rải rác những ngôi "Độc Giảng Đường" với lối kiến trúc đặc trưng Phật Giáo Hòa Hảo cũng nói lên tinh thần tôn giáo bất diệt của đại đa số tín đồ hiện sinh sống tại đây. Hằng đêm vào những ngày rằm và 30, loa phóng thanh từ những ngôi Độc giảng đường phát đi những giọng điệu trầm bỗng Thi thơ và Sấm kinh của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã tạo thêm cuộc sống hài hòa sung mãn cho người dân vùng biên giới. Một điều không ai phủ nhận được là mặc dù trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt từ năm 1968 đến 1975 và những ngày cuối cùng của vận nước, An Phú vẫn đứng vững và không một tấc đất nào bị mất khỏi vùng đất tự do mặc dù toàn quận chỉ được bảo vệ bởi các chiến sĩ Nghĩa quân, Địa phương quân (Đại đội 226/ĐPQ), Nhân dân tự vệ (nguyên là lực lượng Bảo An), một trung đội CSDC cơ hữu trực thuộc Đại đội 412 CSDC Châu Đốc và một Trung đội Pháo binh diện địa.
Đến An Phú, ngoài những cây xanh trái ngọt trải đều cho bốn mùa, nguồn lợi nuôi cá bè là một trong những trọng điểm kinh tế của quận. Dọc bờ sông Tiền, từng dãy bè san sát nối đuôi nhau như khu phố nổi càng tăng thêm nét thịnh vượng của quê hương biên giới. Những địa danh lạ tai như: Bình Di, Đồng Ky, Tắc Trúc, Bắc Đai, Dung Thăng, Búng Lớn đã một thời đi sâu vào lịch sử của những cuộc khẩn hoang còn in đậm dấu chân tiền nhân. Búng Bình Thiên là một hồ thiên nhiên rộng lớn nằm giữa xã Khánh An, Khánh Bình, Phước Hưng, Vĩnh Hội Đông và Nhơn Hội. Nơi đây vào mùa nước nổi đã cung cấp một sản lượng tôm cá đáng kể. Ngoài ra, hồ còn có những sản phẩm thiên nhiên, một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận như: bông súng, điên điển, rau muống, lá sen...
Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã có mặt tại quận An Phú vào những năm đầu khai Đạo 1939 và kể từ đó, Đạo phát triển rất nhanh và tạo ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng toàn quận. Khắp các xã đâu đâu cũng có những cơ sở Phật Giáo Hòa Hảo từ những Hội quán cấp quận dến các Độc giảng đường ở các xã đều hoạt động nhịp nhàng. Ban ngày, người dân ở đây là những nông, ngư dân chất phác, cùng với sự cần cù, nhẫn nại của cả khối dân miền Tây Nam bộ, họ đổ mồ hôi trên ruộng đồng hoặc lao lực trong việc nuôi trồng thủy sản; khi đêm về, bên bàn Thông thiên, họ lại là những tín đồ thuần thành giữ vẹn Tứ ân. Chính nơi đây, quê hương An Phú đã sản xuất một vị học Phật tu Nhơn vào thế kỷ 19 và sau này đã trở thành một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An nằm trong danh sách "Thập Nhị Hiền Thủ", chính là ông Đạo Lập.
Ông Đạo Lập tên thật là Phạm Thái Chung, pháp danh Sùng Đức Võ, danh từ ông Đạo Lập mà người đời quen gọi là do công lao của ông đứng ra thành lập một ngôi chùa Bồng Lai tại Bài Bài thuộc xã Nhơn Hưng quận Tịnh Biên tỉnh Châu Đốc.
Ông sanh tại xã Đa Phước thuộc quận An Phú. Mãi cho đến bây giờ không có một văn kiện chính thức nào ghi rõ ngày tháng năm sinh cũng như ngày viên tịch của ông. Chỉ biết ông qui y theo Đức Phật Thầy Tây An giữa lúc Đức Phật Thầy bị nhà đương cuộc thời vua Tự Đức dời về tỉnh lỵ An Giang và sau khi qui y, ông đã vân du khắp miền Thất Sơn. Ông đã có mặt hầu hết một vùng rộng lớn từ Hà Tiên đến Châu Đốc, từ núi Tà Lơn (Campuchia) đến Đồng Tháp, suốt khoảng thời gian từ năm 1856 đến 1877. Ông đã thu phục được một lực lượng tín đồ khá đông đảo. Những điều lãnh hội từ Đức Phật Thầy, ông đều đem đi hoằng pháp khắp nơi. Trong số các đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An, có thể nói, ông Đạo Lập là một danh nhân quan trọng, có tài ba và huyền thuật dị kỳ. Trong suốt thời gian truyền đạo ông đã để lại trong lòng quần chúng quanh vùng biết bao mẩu chuyện kinh dị như: qua sông bằng chiếc nón lá rộng vành, đi mây về gió thoạt đó thoạt đây, bắt kẻ trộm và giáo hóa trở thành người lương thiện; nổi cộm nhất là hai sự việc: Ông Đạo Lập ném dao và lấy ếm.
* Ông Đạo Lập ném dao: vì thích sống giang hồ, ông Đạo thường không ở nơi nào lâu, do đó ông thường quá giang các ghe buồm cho đỡ chân. Một lần ông Đạo Lập quá giang ghe bán mía. Ngồi buồn trên ghe, ông lấy dao ra róc mía thì gặp phải cây dao quá lụt, róc không sạch vỏ mía, ông liền vứt cây dao xuống sông. Sáng hôm sau, ghe đến một chợ nhỏ, người chủ ghe lên bờ mua về một rổ cá. Bấy giờ chủ ghe mới có dịp lên tiếng phàn nàn:
- Mua cá làm chi? Có dao đâu mà làm cá!
Ông Đạo Lập vẫn thản nhiên ngồi trong ghe lên tiếng:
- Liệng xuống hôm qua chỗ nào thì hãy lặn xuống chỗ đó mà mò lên.
Nói rồi, ông bước ra, chỉ mặt nước, chỗ cách mũi ghe vài mét, bảo người chủ ghe lặn xuống đó mà lấy lên. Quả nhiên, cây dao mà ông Đạo Lập liệng xuống nước hôm trước được lấy lại. Cần để ý rằng chiếc ghe mía mà ông Đạo Lập quá giang từ chỗ ném dao đến chỗ mò dao cách xa một ngày rưỡi đường, thế mà tại chỗ đánh dấu của ông Đạo Lập lại tìm được dao một cách dễ dàng. Càng lạ lùng hơn, cây dao lụt trước kia nay được sáng trưng và bén ngót như có ai mài sẵn.
* Ông Đạo Lập lấy ếm: bằng những diệu thuật điêu luyện và thần kỳ, ông Đạo đã lấy được "cây ếm" tại Ton Hon vùng Đồng Tràm giáp biên giới quận Hà Tiên tỉnh Kiên Giang do người Tàu chôn. Cây ếm bằng đá trên mặt có khắc chữ "Càn Long ngũ thất niên trọng thu cốc dán". Người ta nghĩ rằng cây ếm này do họ Mạc đã ếm với mục đích bí ẩn. Cây ếm ấy bây giờ vẫn còn tại Bài Bài thuộc xã Nhơn Hưng quận Tịnh Biên giáp biên giới Việt-Campuchia.
Cũng như Đức Cố Quản Trần Văn Thành, Đức Bổn Sư Ngô Lợi, ông Phạm Thái Chung đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông đã bị mật thám Pháp theo dõi thường xuyên. Ông đã bôn ba từ miền Thất Sơn đến biên giới Miên - Việt, từ Vĩnh Gia, Tịnh Biên đến Hà Tiên. Nhờ pháp thuật cao cường mà ông đã nhiều lần thoát nạn dù kẻ thù luôn luôn tìm cách bắt ông. Khi về già, ông Đạo Lập về Bài Bài (xã Nhơn Hưng quận Tịnh Biên) cư ngụ và tiếp tục phổ truyền giáo pháp. Ông tịch diệt tại đây nhưng không rõ năm chỉ được biết vào ngày 29 tháng 9 là ngày vía của ông. Mộ ông được chôn cất tại xã Vĩnh Ngươn (một xã biên giới bên kia bờ kinh Vĩnh Tế) thuộc quận Châu Phú. Cũng theo căn tích của Phật Thầy Tây An, mộ ông không đắp nấm.

Ngư dân An Phú

An Phú với bao biến đổi theo thời gian, hòa cùng những thăng trầm của đất nước, vùng đất biên thùy vẫn trơ gan cùng năm tháng. Quận An Phú đã chứng kiến biết bao bể dâu. Dòng sông Tiền vẫn đỏ ngầu vào mùa nước nổi. Búng Bình Thiên vẫn chứa đầy thủy sản là nguồn tài nguyên vô tận cho cư dân sinh sống tại đây. Xã Vĩnh Trường vẫn vươn mình bên những hàng cây xanh rì, bốn mùa đơm bông kết trái. Tiếng dệt lụa "cóc cách" vẫn hằng đêm gõ đều ở xóm Chàm Đa Phước, Nhơn Hội.

Du khách thăm An Phú

Giáo lý "Tứ Ân" của nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo vẫn in đậm vào tiềm thức của hầu hết quần chúng. Mỗi tối, tất cả bàn Thông thiên khói hương nghi ngút. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn kiên trì "Giữ Đạo chờ Thầy". Hình ảnh các chiến sĩ Nghĩa quân, Địa phương quân, Cảnh sát, Cán bộ Xây dựng nông thôn, Nhân dân tự vệ (nguyên là lực lượng Bảo an đoàn Phật Giáo Hòa Hảo) đã giúp quận An Phú tồn tại đến giây phút cuối cùng. Sau biến cố 30/4/1975, cũng như các địa phương khác, hầu hết các chức sắc Phật Giáo Hòa Hảo đều bị bắt đi học tập cải tạo. Tuy nhiên thời gian và sự lao nhọc nơi rừng thiêng nước độc, lại một lần nữa, đã tôi luyện niềm tin của người tín đồ ngày thêm bền vững. Đạo Phật Giáo Hòa Hảo vẫn rạng ngời nơi vùng đất biên trấn. Những đêm cầu nguyện, những giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ vẫn bỗng trầm bất diệt với thời gian.

Trường Thi.
Trích "Giang Sơn Biên Trấn".